Chụp ảnh nội thất cần phải có những thiết bị gì?

Sau một khoảng thời gian mày mò học hỏi và thử nghiệm, cân qua các mảng chụp khác nhau, như chụp food - món ăn, chụp chân dung, lookbook, ngoại cảnh v.v… thì Hải bắt đầu có đam mê nhất vào mảng chụp nội thất & kiến trúc.

Ảnh chụp thực tế nhà hàng Bao Bei Royal.

Mỗi khi setup chụp food, sản phẩm hay model, Hải phải vác theo đủ thứ nào là đèn strobe tận 2-3 cái, tản sáng, softbox, chóa, chân đèn, đủ thứ linh tinh trên đời :-s Còn với “bộ môn” chụp nội thất, môi trường ánh sáng do kiến trúc sư kiến tạo ra mục đích là đã quá rõ ràng, việc thay đổi và sử dụng một nguồn sáng khác thêm vào trong môi trường đó phải có tính toàn rõ ràng và ít nhất - được sự đồng ý của người thiết kế/người chủ công trình. Cho nên nếu muốn an toàn, thì tốt nhất bạn chỉ cần tối ưu hóa được nguồn ánh sáng chính trong ngôi nhà/công trình mà bạn đang chụp là đủ.

Vậy khi không cần phải vác theo nhiều thiết bị chiếu sáng cồng kềnh, thì những thiết bị cần và đủ để chụp ảnh nội thất là gì? Hải sẽ liệt kê dưới đây để các bạn tham khảo nhé!

Thiết bị cần và đủ để chụp ảnh nội thất:

01. MÁY ẢNH (Camera Body):

Dĩ nhiên chụp ảnh thì phải cần đến máy ảnh rồi. Hãng nào cũng có thể sử dụng được hết, từ crop cho đến full frame. Tuy nhiên tiêu chí chọn máy ảnh để chụp nội thất thì nên dựa vào dải Dynamic Range của máy. Nikon và Sony nổi tiếng có dải DR cao hơn của Canon - các bạn nên google tìm hiểu thêm dòng máy nào có DR tốt nhất với chi phí hợp lý thì mua cái đó. Dải DR rộng giúp bạn có được bức ảnh mà khi hậu kỳ vùng tối có thể kéo sáng lên và vùng sáng có thể kéo giảm xuống mà không làm mất chi tiết hay bị nhiễu noise. Body “ngon lành” các bạn có thể tham khảo Nikon D750 và Sony A7Rii.

Sony Alpha A7Rii với dải Dynamic Range ấn tượng.

Sony Alpha A7Rii với dải Dynamic Range ấn tượng.

02. ỐNG KÍNH (Lens):

Lens góc rộng là ưu tiên hàng đầu, còn rộng bao nhiêu thì … tùy bạn :D Nếu hầu bao tốt, bạn có thể mua nhiều lens với nhiều tiêu cự, AF hay MF đều được. Nhưng cũng nên lưu ý không phải lúc nào góc rộng nhất cũng đẹp nhất nhé! Vì tùy khung hình, có ảnh khi chụp quá rộng sẽ chứa quá nhiều chi tiết thừa, không làm nổi bật bất kỳ chủ thể nào trong ảnh. Một ống kính zoom có tiêu cự 16-35mm là gợi ý hợp lý nhất. Với tiêu cự 35mm, các bạn có thể chụp những góc cận cảnh và detail có chiều sâu hơn và đặc tả hơn. Tiêu cự 16mm là đã đủ rộng nhưng lại hạn chế được hiện tượng méo do lens góc rộng. Tiêu cự rộng hơn 16mm đối với mình chỉ nên dùng cho các shoots chụp phòng khách sạn/airbnb mà khách hàng đưa ra yêu cầu “Làm cho phòng của chị nhìn siêu to khổng lồ nhé!” mà thôi!

Lens Sony FE 16-35 F4 ZA OSS Vario Tessar ngon bổ rẻ nhất của Sony.

Lens Sony FE 16-35 F4 ZA OSS Vario Tessar ngon bổ rẻ nhất của Sony.

03. CHÂN MÁY (Tripod & Head):

Món đồ không thể thiếu và thuộc hàng quan trọng bậc nhất trong chụp ảnh nội thất đó là chân máy. Do môi trường chụp có ánh sáng phức tạp, và việc khép khẩu nhỏ F8-F11 để lấy nét toàn khung, nên tốc độ chụp là yếu tố quyết định để bức ảnh có đủ sáng hay không. Một chân máy “xịn” sẽ giúp máy không bị rung lắc, khi phơi ở tốc chậm hình ảnh sẽ vẫn sắc nét, không bị nhòe. Các bạn có thể tham khảo các chân máy của hãng Benro hoặc Manfrotto để đầu tư một cái thật ngon nhé, body và lens có thể update chứ chân máy mua một lần xài cả đời cũng được nên cứ “quất” cái nào to khỏe tầm hơn 3-5 triệu là “ổn áp” rồi :D

Ngoài ra chân máy xịn thì thường không đi kèm với Head. Với thể loại chụp ảnh nội thất, các bạn nên ưu tiên chọn loại 3-way Head. Vì head này cho phép bạn canh chỉnh theo từng trục ngang, dọc và xoay 360, canh chỉnh từng độ một với sự chính xác cao hơn là khi dùng với loại Ball head - có viên bi xoay xoay - chuyên dùng để thao tác nhanh :D Các bạn nên tham khảo ngay sản phẩm head của Benro có tên là “Benro GD3WH 3-Way Geared Head” - tốt nhất và xịn nhất trong tầm giá!!!

Benro Tripod GA269TB2 & Benro GD3WH 3-Way Geared Head

Benro Tripod GA269TB2 & Benro GD3WH 3-Way Geared Head

04. MÁY TÍNH (Laptop/PC):

Máy tính xử lý cũng cần phải có tốc độ cao khi xử lý ảnh với file RAW dung lượng lớn, chạy được các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Lightroom, Photoshop ổn định không giật lag :D Một laptop với core i5 - i7, Ram tối thiểu 16Gb, ổ cứng SSD là hợp lý nhất. MacOSX hay Windows? Không quan trọng, sao cũng được :D

Macbook Pro 15” Touchbar

Macbook Pro 15” Touchbar

Ngoài ra còn có nhiều món đồ khác sẽ giúp cho việc chụp ảnh nội thất và hậu kỳ sau đó đỡ cực nhọc hơn như CPL Filter, Monitor, cáp chụp tether, trigger & flash mình sẽ chia sẻ và một bài khác, còn hiện tại với 4 món như trên thì là đã đủ tạo ra những bức ảnh chụp nội thất & kiến trúc khiến thiên hạ “trầm trồ” rồi :D

Next
Next

Chụp ảnh nội thất DỄ hay KHÓ?