Chụp ảnh nội thất DỄ hay KHÓ?

Xin chào mừng các bạn đã đến với website & blog của Hải. Hải không giỏi viết lách, nên cách diễn đạt có thể sẽ gần với văn nói thường ngày của Hải, nghĩ tới đâu viết tới đó, lâu lâu quay lại thấy không hay thì chỉnh sửa :D

Thời điểm mình viết bài blog này là sau khi tìm hiểu và bắt đầu “lấn sân” vào mảng chụp nội thất, kiến trúc được khoảng 3 tháng với tinh thần thật sự nghiêm túc với nghề. Thật ra chụp chưa lâu, dĩ nhiên chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng quá trình ngồi tìm hiểu trên google và youtube cũng mang lại khá nhiều kiến thức “hay ho” để Hải có thể trải nghiệm, thực hành và giờ chia sẻ nhanh lại một chút thông tin đã được Hải chọn lọc để áp dụng khi chụp. Nên nếu có gì sai sót thì các bạn hãy coi như đây là một buổi tám chuyện chia sẻ kiến thức với nhau và góp ý Hải nhé! ^^

Để nói về chuyện chụp ảnh nội thất dễ hay khó, thật ra không có câu trả lời chính xác. Riêng với Hải, DỄ hay KHÓ phụ thuộc vào độ “LƯỜI” & “CÓ TÂM” của người chụp ảnh.

Ảnh chụp thực tế Runam Boutique tòa nhà Terra Royal, Sài Gòn.

DỄ LÀ KHI:

  • Không cần khảo sát trước công trình.

  • Để nguyên bối cảnh, không gian, không dọn dẹp, lau chùi, sắp xếp ngăn nắp lại nội thất.

  • Không chọn thời điểm chụp tốt, rảnh thì chụp, sao cũng được.

  • Chụp nhanh gọn lẹ, ít góc lạ góc đẹp, khách trả nhiêu chụp nhiêu.

  • Chỉ chụp góc rộng cho tới siêu rộng, cứ nghĩ càng rộng càng đẹp, không chụp các góc cận cảnh, detail.

  • Không hậu kỳ chỉnh sửa từng hình mà chạy presets/action “auto” mặc cho môi trường ánh sáng khu vực thay đổi ít nhiều.

Ảnh chụp thực tế nhà hàng Bao Bei Royal.

KHÓ LÀ KHI:

  • Tìm hiểu trước công trình sắp chụp, xem nó thuộc công trình dạng nào, yêu cầu của loại công trình đó cần “show” ra những gì, khách hàng dùng ảnh chụp với mục đích gì.

  • Sắp xếp lại nội thất chỉn chu, ngay lề thẳng lối. Quét dọn, lau chùi nếu dơ, ủi chăn ra phẳng phiu…

  • Sắp đặt lại nội thất nếu có thể và được cho phép để tạo ra những bối cảnh chụp đẹp hơn, nghệ thuật hơn khi cần.

  • Chụp thật nhiều góc, cao thấp khác nhau để mang đến nhiều hiệu ứng nhìn khác nhau.

  • Chụp rộng không là chưa đủ, cần phải chụp các góc cận và detail, việc này cũng mất thời gian nhiều không kém việc chỉ đặt chân máy với góc “siêu to khổng lồ”, nó sẽ mang lại nhiều hình ảnh ấn tượng mô tả chi tiết hơn về công trình, mang lại nhiều cảm xúc hơn. Người ta hay gọi là hình sẽ có nhiều “mood” hơn với các góc chụp hẹp hơn ở tiêu cự như 24-35mm, thậm chí là 70-85mm.

  • Môi trường thay đổi khiến White Balance thay đổi, độ sáng tối chênh nhau, cho nên việc hậu kỳ từng hình là rất cần thiết. Phải tự nói “không” với việc lười biếng khi chạy “auto” các presets mà không canh chỉnh lại thông số.

  • Sử dụng công cụ healing và clone stamp để xóa các chi tiết thừa trong ảnh, xóa nếp nhăn của chăn gối, vết nứt tường, xóa dây điện “lòng thòng” nếu có…

  • Sử dụng đèn flash/strobe trong chụp ảnh nội thất là một điều đáng phải học tập và trau dồi mỗi ngày. Bản thân Hải thời điểm này vẫn chưa “lĩnh hội” hoàn toàn kỹ thuật này nên chưa chia sẻ được, nhưng việc bỏ nhiều thời gian để chụp với đèn và hậu kỳ sau đó luôn mang lại những bức ảnh đẹp hơn rất nhiều, dĩ nhiên mất rất nhiều thời gian & phải hiểu rõ mình dùng đèn để làm gì - ĐIỀU NÀY LÀ MỘT THỬ THÁCH THẬT SỰ KHÓ!

Ảnh chụp detail cận cảnh tại Runam Boutique Terra Royal.

Ảnh chụp nội thất có sử dụng strobe Godox AD600 tại căn phòng triệu đô FRATO Thái Công showroom

Hy vọng với vài kinh nghiệm và kiến thức mà Hải vừa “chém gió” ở trên, các bạn sẽ tự trả lời được câu hỏi của mình về vấn đề chụp ảnh nội thất & kiến trúc. Điều rút ra được của Hải sau vài tháng lăn lộn là: “Phải thật sự KHÓ với bản thân thì mới DỄ móc hầu bao của khách hàng được!”

Previous
Previous

Chụp ảnh nội thất cần phải có những thiết bị gì?